Thiết kế và chế tạo HMS_Howe_(32)

Thiết kế

Là một thiết giáp hạm thuộc lớp King George V, HMS Howe chịu ảnh hưởng những giới hạn trong thiết kế do giới hạn của những Hiệp ước hải quân quốc tế.[note 1] Chúng ảnh hưởng đến thời gian thiết kế, trì hoãn cho đến năm 1937, cũng như là trọng tải choán nước và vũ khí trang bị.[2]

Hiệp Ước đã quy định trọng lượng rẽ nước tối đa ở mức 35.000 tấn nhằm giới hạn trọng lượng của vỏ giáp và vũ khí có thể trang bị. Phương cách tiếp cận là xây dựng một "pháo đài bọc thép" có thể chống lại hỏa lực đạn pháo 406 mm (16 inch), trong khi việc bảo vệ cấu trúc thượng tầng, bao gồm tháp chỉ huy và tháp pháo, thấp hơn so với những chiếc đương thời với Howe.[2] Việc bảo vệ chống ngư lôi là một phiên bản phát triển từ hệ thống của lớp Nelson,[2] sử dụng Hệ thống Bảo vệ bên (SPS) để phân tán lực nổ của một quả ngư lôi xa khỏi lườn tàu. Việc chiếc Prince of Wales bị đánh chìm đã nảy sinh những nghi vấn về hiệu quả của hệ thống SPS, và thêm lớp vỏ giáp được bổ sung thêm cho Howe.[3] Tuy nhiên, những khảo sát trên xác tàu đắm của Prince of Wales cho thấy hệ thống SPS đã hoạt động như được thiết kế.[4]

Cho dù những quy định của Hiệp ước cho phép trang bị một dàn pháo chính 406 mm (16 inch), cỡ pháo 355 mm (14 inch) đã được chọn nhằm thúc đẩy sự chấp nhận của quốc tế như là cỡ pháo tối đa. Khi nỗ lực này thất bại, cỡ pháo 355 mm (14 inch) vẫn được giữ lại do không muốn trì hoãn việc hoàn tất chúng, vào lúc mà bối cảnh và các mối quan hệ ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, Howe chưa bao giờ hoạt động đối đầu với tàu chiến đối phương; kinh nghiệm hoạt động của lớp tàu này cho thấy các tháp pháo chính bốn nòng của nó gặp nhiều trục trặc và kém tin cậy. Dàn pháo hạng hai bao gồm kiểu pháo QF 133 mm (5,25 inch) đa dụng, bắn chậm và được bố trí trên những tháp pháo nòng đơn chật chội.[2] Trước khi bố trí hoạt động tại Địa Trung Hải, giàn hỏa lực phòng không của nó được bổ sung bằng các khẩu đội Oerlikon 20mm.[3]

Hệ thống động lực được bố trí thành bốn ngăn tách biệt, mỗi chiếc vận hành một trục chân vịt, nên một cú đánh trúng không may duy nhất không thể khiến nó bất động hoàn toàn. Các cải tiến trong hệ thống động lực cũng cho phép có được công suất mạnh hơn.[2]

Chế tạo

Được đặt hàng vào ngày 28 tháng 4 năm 1937, chiếc tàu chiến được đặt lườn tại xưởng đóng tàu của hãng Fairfield Shipbuilding & Engineering Co. Ltd.Govan vào ngày 1 tháng 6 năm 1937.[3] Thoạt tiên được đặt tên là HMS Beatty, theo tên của Đô đốc David Beatty, tư lệnh Hải đội Tàu chiến-tuần dương Anh Quốc trong trận Jutland, nó được đổi tên vào ngày 21 tháng 2 năm 1940 thành HMS Howe, đặt theo tên của Đô đốc Richard Howe, chiếc tàu chiến thứ sáu của Hải quân Hoàng gia mang cái tên này. Nó được hạ thủy dưới cái tên này vào ngày 9 tháng 4 năm 1940.[3]

Howe được đưa ra hoạt động cùng Hải quân Hoàng gia vào ngày 29 tháng 8 năm 1942.[3] Chiếc thiết giáp hạm được cộng đồng cư dân của Edinburgh đón nhận sau một chiến dịch quyên góp ngân quỹ Tuần lễ Tàu chiến để chế tạo nó vào tháng 12 năm 1941.[3] Công việc chế tạo bị kéo dài do nhu cầu thực hiện một số cải biến sau khi chiếc thiết giáp hạm chị em Prince of Wales bị đánh chìm vào ngày 10 tháng 12 năm 1941.[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: HMS_Howe_(32) http://www.maritimequest.com/warship_directory/gre... http://www.theglasgowstory.com/image.php?inum=TGSA... http://www.naval-history.net/xGM-Chrono-01BB-Howe.... http://www.nzetc.org/tm/scholarly/tei-WH2Navy-c24.... http://www.nmm.ac.uk/researchers/library/research-... http://www.bbc.co.uk/ww2peopleswar/stories/33/a214... http://www.rina.org.uk/c2/uploads/death%20of%20a%2... https://web.archive.org/web/20090630192751/http://... https://web.archive.org/web/20100901100021/http://...